Bệnh nhân nên tránh uống rượu, bia vì đồ uống này sẽ gây bệnh hoặc làm bệnh nặng lên. Khi sử dụng một số thuốc chữa các bệnh khác, nếu thấy bị nổi mày đay phải ngưng thuốc đó ngay để phòng tránh dị ứng thuốc đó nặng có thể gây tử vong. Các thuốc hay gây nổi mày đay nặng là aspirin, thuốc chống viêm không steroid. Mày đay cấp hay phù mạch có thể điều trị bằng thuốc kháng histamine. Nếu mày đay xuất hiện do mặc quần áo quá chật, do tiếp xúc với da thì nên nới lỏng quần áo để tránh bệnh xảy ra.
Uống rượu làm bệnh tăng thêm |
Đối với những người hay bị nổi mày đay do lạnh, do nhiệt, chứng vẽ nổi da... cần phải nhớ và tránh các yếu tố gây bệnh cho bản thân như tránh tắm nước lạnh, tránh đến gần các nguồn nhiệt như lò gạch, lò nung vôi, đám cháy... Những người bị nổi mày đay do ánh nắng cần chú ý tránh ánh nắng chiếu trực tiếp lên da, mặc quần áo dài để che nắng, đội mũ nón rộng vành khi ra nắng. Khi nổi mày đay do ánh nắng, cần điều trị bằng thuốc kháng histamine và kem chống nắng đặc biệt. Các trường hợp bị nổi mày đay do đè ép thì thường phát bệnh muộn sau khi bị đè ép 3 - 12 giờ nên bệnh nhân phải nhớ mới phát hiện được nguyên nhân gây nổi mày đay để phòng tránh cho các lần sau. Bạn cũng nên nhớ là mày đay do đè ép khi điều trị bằng thuốc kháng histamine rất kém tác dụng, hầu như bệnh không đỡ.
Những người bị nổi mày đay do dị ứng thức ăn cần phát hiện và ghi nhớ các loại thức ăn đã gây dị ứng cho mình để mãi mãi tránh xa những thức ăn đó, vì nếu ăn phải các lần sau bệnh càng nặng hơn lần trước, có thể gây khó thở, suyễn nặng, sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng. Khi gặp thức ăn lạ, bạn chỉ nên ăn ít để thăm dò xem có bị dị ứng hay không.
ThS. Phạm Phú Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét