Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

HỎI ĐÁP VỀ BỆNH MỀ ĐAY

Bác sĩ Thọ: Mề đay là một phản ứng viêm của da, có cơ chế phức tạp, một bệnh da phổ biến nhưng lại khó phát hiện nguyên nhân. Có rất nhiều yếu tố gây bệnh mề đay bên trong lẫn bên ngoài cơ thể, thậm chí nhiều khi không chỉ do 1 yếu tố gây ra mà do nhiều yếu tố kết hợp lại.
HỎI ĐÁP VỀ BỆNH MỀ ĐAY
Hình minh họa
Trà Mi: Xin bác sĩ cho biết một vài yếu tố thường gặp gây nên chứng bệnh mề đay này?
Bác sĩ Thọ: Thông thường nhất là do thức ăn. Có những loại thức ăn gây dị ứng như sữa, trứng, hải sản, tương, chao, chocolate…Yếu tố thứ hai là thuốc, các loại thuốc có thể gây dị ứng ngay sau khi dùng lần đầu hoặc sau 1 tuần. Kế đến là do các nộc độc của côn trùng như ong, kiến, sâu bọ…

Các yếu tố kháng nguyên về hô hấp như rơm, rạ, phấn hoa, bụi nhà, lông vũ, nấm mốc…Cũng có thể từ các nguyên nhân gây nhiễm như nhiễm siêu vi, viêm gan siêu vi B, C cũng có thể gây mề đay, nhiễm khuẩn ở bộ phận hô hấp trên, ở tai mũi họng, ở bộ phận tiêu hoá răng miệng, nhiễm ký sinh trùng đường ruột như giun sán, nhiễm nấm ở ngoài da, nội tạng…cũng có thể gây mề đay.

Đó là các nguyên nhân gây mề đay thường thấy. Mề đay cũng có thể phát sinh từ các nguyên nhân do tíêp xúc như tiếp xúc với các chất hữu cơ, hoá chất.

Ngoài ra cũng có những loại mề đay phát sinh do vận động xúc cảm, do chèn ép chấn động, do tình trạng vật lý như lạnh, nóng hay gió, ánh sáng mặt trời, do di truyền, do các bệnh hệ thống trong cơ thể như bệnh tự miễn lupus đỏ, do bệnh viêm mạch, nội tiết, tiểu đường, bệnh ung thư…cũng có thể dẫn tới mề đay, cũng như các loại bệnh mề đay không rõ nguyên nhân khác.

Trà Mi: Qúa nhiều nguyên nhân như vậy, nhưng thông thường các bệnh nhân mề đay ở Việt Nam thường gặp nhất là những yếu tố nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Thọ: Đa số ở Việt Nam là mề đay do thức ăn, các chất màu bảo quản thực phẩm, hay các loại thuốc giảm đau, kháng sinh, hạ nhiệt…Có những loại có thể gây phản ứng nặng hơn, dẫn đến mề đay dạng nặng phải đi cấp cứu.

Trà Mi: Mề đay được chia thành hai loại cấp tính và mạn tính. Xin bác sĩ trình bày chi tiết về đặc điểm cũng như nguyên nhân của từng loại bệnh?

Bác sĩ Thọ: Đối với mề đay mạn tính thời gian xuất hiện những tổn thương ngoài da kéo dài từ một tháng. Nguyên nhân đa số là do các tình trạng viêm nhiễm, như nhiễm virus, vi khuẩn, nhiễm ký sinh trùng đường ruột. Mề đay này rất khó điều trị. Có thể dùng thuốc nhưng hết thuốc lại nổi lại.

Mề đay cấp tính thường do các trường hợp dị ứng thức ăn hay dị ứng thuốc, xuất hiện đột ngột, gây những san thương ngoài da, ngứa ngáy, khó chịu. Một số trường hợp nặng hơn có thể gây phù mặt, phù thanh quản, có thể dẫn đến tình trạng khó thở, phải đưa đi cấp cứu.

San thương của mề đay cấp tính thường là những sẩn phù. Còn san thương của mề đay mạn tính kéo dài trên 4 tuần, gồm những sẩn phù đơn giản, xuất hiện rồi biến mất nhiều lần. Dùng thuốc chỉ tạm đỡ, nhưng sau đó lại tái phát.

Trà Mi: Bệnh này được chữa trị ra sao?

Bác sĩ Thọ: Những loại thuốc đơn giản thông thường được bày bán ở tiệm thuốc có thể chữa triệu chứng nhưng chỉ đối với các trường hợp cấp tính đơn giản mà thôi. Còn lâu dài, bệnh nhân phải tìm đến bác sĩ chuyên khoa để xác định và loại bỏ các yếu tố nguy cơ.

Trong cơn cấp, ngoài việc dùng thuốc, có khi cần phải đi cấp cứu nếu san thương xuất hiện ở những vùng gây tắc nghẽn về đường hô hấp. Bà con khi dùng các thuốc bôi đơn giản điều trị mề đay xin nhớ rằng có thể gây dị ứng, đặc biệt là một số thuốc ngoài da có chứa các chất hoá học như corticoid thì lại có thể gây ra những hậu quả không tốt.

Đối với mề đay, việc đầu tiên là phải điều trị triệu chứng. Xưa có những loại thuốc trị mề đay có tác dụng phụ gây buồn ngủ. Nay đã có các loại thuốc thế hệ mới. Những trường hợp mề đay đơn giản thì có thể dùng để điều trị. Một số trường hợp cấp tính phải vào cấp cứu, dùng thuốc tiêm.

Còn các trường hợp mề đay mạn tính thường có liên quan đến các bệnh lý bên trong cơ thể. Cho nên bệnh nhân cần tìm đến các cơ sở chuyên khoa có đầy đủ phương tiện xét nghiệm để tìm nguyên nhân như viêm nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Hiện nay phổ biến ở các vùng đồng bằng sông Cửu long và Tây nguyên có rất nhiều trường hợp bị nhiễm ký sinh trùng mạn tính như giun chó, giun lương, sán lá phổi. Những trường hợp này, ngoài việc điều trị triệu chứng của mề đay, cần phải điều trị nguyên nhân thì mới dứt điểm được.

Trà Mi: Nghĩa là bệnh có khả năng điều trị khỏi hẳn, nhưng phải tìm đúng nguyên nhân. Như vậy cũng không dễ dàng lắm. Xin được hỏi thăm bác sĩ, trong thời gian bị nổi mề đay, bệnh nhân cần lưu ý những điều gì?

Bác sĩ Thọ: Khi san thương xuất hiện, cần theo dõi và loại bỏ những yếu tố nguyên nhân nghi ngờ, chẳng hạn như hạn chế một số loại thức ăn gây dị ứng như hải sản, trứng, thịt gà, thịt bò. Đối với cơn cấp, khi gây ngứa, khó chịu nhiều, có thể dùng giấm thanh pha nứơc ấm (một phần giấm, hai phần nứơc) để thoa hay tắm.

Trà Mi: Có quan niệm cho rằng khi bị nổi mề đay, càng ra gió, càng bị nổi thêm?

Bác sĩ Thọ: Chỉ đúng một phần thôi, đối với các trường hợp bị mề đay do thời tiết, nhiệt độ bên ngoài. Còn bị dị ứng do thực phẩm và các nguyên nhân nội tạng khác, việc tránh ra gió, tránh lạnh thì không có tác dụng.

Trà Mi: Những lời khuyên của giới chuyên môn giúp có thể phòng căn bệnh mề đay?

Bác sĩ Thọ: Các phương pháp tổng quát giúp hạn chế, giảm nhẹ tác động của mề đay là tránh các loại đồ vật, thức ăn, thuốc men có thể gây dị ứng cho mình. Khi mề đay nổi đột ngột, cần ăn các thức ăn dễ tiêu, hạn chế các thức ăn mặn. Điều quan trọng là không nên dùng các loại thuốc mỡ bôi ngoài da có chứa corticoid điều trị rất ít hiệu quả mà lại có thể gây biến chứng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét